Lê Thanh (TP HCM) sở hữu Porsche Macan 2020 đã độ khá nhiều chi tiết như phuộc coilover (có lò xo bao lấy giảm chấn thủy lực), đèn, động cơ thêm bộ nạp, racechip, mobin đánh lửa, thay máy bơm, bình hơi, pô, la-zăng, lốp, gắn thêm spacer. Với những thay đổi này, đại lý chính hãng yêu cầu chủ xe xác nhận bằng văn bản về việc lắp phụ tùng không chính hãng, vì vậy những bộ phận này sẽ không còn được bảo hành chính hãng. Đây là chính sách phổ biến trong ngành ôtô. Tuy vậy, hãng xe Đức cho biết những chi tiết khác mà chủ xe không can thiệp, ví dụ như hộp số, vẫn được bảo hành và sửa chữa.
"Tôi hiểu rõ rủi ro của việc độ, và chấp nhận việc bị mất bảo hành một khi đã quyết định độ xe, nếu hư hỏng gì tôi sẽ tự sửa, hoặc ra garage ngoài", Thanh nói.
Trên thực tế, người dùng luôn băn khoăn về việc xe sẽ không được bảo hành, nếu thay thế, lắp thêm phụ tùng không chính hãng hoặc bảo dưỡng ở những cơ sở bên ngoài. Ví dụ, nếu lắp thêm camera 360 độ, can thiệp tới hệ thống điện, màn hình trên xe, thông thường các đại lý sẽ từ chối bảo dưỡng hệ thống giải trí nếu gặp vấn đề, vì khi lắp đặt, rủi ro không tương thích và có vấn đề về điện là không nhỏ.
Nhưng theo khảo sát của VnExpress, hầu hết hãng không quá cứng nhắc về việc này. Thông thường, nếu những can thiệp ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thống vận hành, điện, điện tử trên xe, hãng từ chối bảo hành, còn lại có thể tùy trường hợp cụ thể sẽ xem xét. Về cơ bản, nếu kỹ thuật viên xác định trục trặc của một chi tiết là xuất phát từ lỗi của người dùng, chi tiết đó sẽ không được bảo hành.
Các hãng xe phổ thông như Hyundai, Mazda, Honda, Volkswagen... tới xe sang như Mercedes đều chung quy định người dùng cần tuân thủ bảo dưỡng chính hãng.
"Về nguyên tắc, chúng tôi hoàn toàn có thể từ chối ngay lập tức với những xe độ hoặc bảo dưỡng không chính hãng theo nội dung trong sổ bảo hành, tuy vậy thực tế các xe đều được xem xét cụ thể lỗi rồi mới trả lời", cố vấn dịch vụ một đại lý Honda cho biết.
Trong trường hợp hư hỏng các bộ phận mà không liên quan đến các mục đã bảo dưỡng, ví dụ đèn, thước lái, hộp số... các chi tiết này vẫn có thế được sửa, với điều kiện là chứng minh được việc bảo dưỡng ở ngoài không tác động đến sự vận hành hay tính nguyên bản của bộ phận này.
Tuy nhiên, nhân viên cố vấn dịch vụ Mazda nói việc xác định này rất khó để chứng minh, vì các thành phần, linh kiện của xe đều hoạt động chặt chẽ với nhau, do đó nếu một thành phần trên xe không đúng chuẩn, có thể gây ảnh hưởng đến các linh kiện khác, vì thế hãng có quyền từ chối bảo hành trong trường hợp khách hàng đã thực hiện bảo dưỡng xe ở ngoài.
Khi mua ôtô mới, khách hàng sẽ được bảo hành khi hư hỏng trong thời gian 3-5 năm, cá biệt có hãng tới 10 năm, hoặc 100.000-200.000 km tùy vào mẫu xe hoặc hãng xe. Tuy nhiên, đi kèm việc bảo hành này là các điều kiện nhất định, thường được ghi rõ trong sổ bảo hành. Nếu không tuân thủ theo những điều kiện này, hãng có thể từ chối sửa chữa khi hư hỏng xảy ra với xe.
Điều đầu tiên gây ảnh hưởng đến bảo hành là sử dụng phương tiện không đúng mục đích của nhà sản xuất đặt ra. Thuật ngữ này có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau, ví dụ sử dụng xe cho mục đích đua, chở hàng nặng quá mức trọng tải cho phép, hoặc sử dụng xe ở những địa hình mà thiết kế của xe không cho phép, như off-road bằng xe sedan.
Tiếp theo, ôtô sẽ không được bảo hành khi có các yếu tố bất khả kháng xảy ra, như thiên tai, hỏa hoạn, trộm cắp bộ phận, tai nạn. Bên cạnh đó, một số hãng cũng quy định xe sẽ không được bảo hành trong trường hợp công-tơ-mét bị tua, hoặc ngắt kết nối, khiến hãng xe không xác định được chính xác quãng đường mà xe đã di chuyển.
Cuối cùng, xe sẽ không được bảo hành khi chủ xe đã độ, lắp thêm các phụ kiện không chính hãng, hoặc thực hiện những dịch vụ này ở cơ sở không chính hãng. Việc này nhằm giúp hãng xe kiểm soát được chủ xe lắp đặt các phụ tùng theo đúng tiêu chuẩn của nhà sản xuất không, bởi lẽ, nếu lắp sai kỹ thuật hoặc thông số đã quy định trước, xe có khả năng hư hỏng nhiều hơn.
Do đó, khi mua xe, chủ xe nên tham khảo thật kỹ các điều khoản về bảo hành, và trao đổi với nhân viên bán hàng để hiểu rõ hơn về những quy định này.
Phạm Hải