Cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua xã Phong Thu, huyện Phong Điền xuất hiện nút thắt cổ chai, từ hai làn xuống còn một làn, đồng thời lại là cửa ngõ đổ ra của làn dẫn vào cao tốc từ bên phải, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Vụ tai nạn ngày 18/2 giữa xe Ford Everest, xe container và xe tải tại đây khiến ba mẹ con trên xe Ford thiệt mạng, tài xế và người bố ngồi trên ghế trước an toàn.
Với cách tổ chức giao thông như thế này, việc quan trọng tài xế cần làm là chú ý biển báo, đọc hiểu và giảm tốc độ thật nhanh để tránh xung đột.
Video trên cho thấy, trước khi tới nút thắt, tài xế sẽ gặp biển báo "Lối ra" và giới hạn tốc độ 60 km/h. Thông thường trên một số cao tốc khác, tốc độ này được hiểu chỉ giới hạn riêng cho lối ra, không áp dụng cho các làn đường đang chạy thẳng trên cao tốc. Nhưng, tại một nút giao luôn có lối ra và lối vào, bởi vậy ngay sau biển lối ra sẽ có biển báo hiệu có xe nhập làn để vào cao tốc. Vì vậy, khi thấy biển báo "Lối ra", tài xế cũng cần chủ động buông ga, sẵn sàng chân phanh và có thể phanh nhẹ đến vừa để giảm tốc độ.
Thực tế tại đoạn đường này cũng có biển báo "Nhập làn" với khoảng cách 250 m. Tức sau 250 m nữa sẽ có xe nhập làn. Điều này có nghĩa nếu xe di chuyển với tốc độ 80 km/h từ khi thấy biển báo sẽ mất khoảng 11 giây để chạm đến điểm nhập làn, nếu tốc độ 60 km/h là khoảng 15 giây. Như vậy, khoảng cách này là đủ để tài xế duy trì tốc độ thấp, hoặc đánh lái để tránh nếu có vật cản ở phía trước.
Một mẹo được nhiều chuyên gia lái xe an toàn khuyên là khi tới đoạn đường nhập làn, nếu làn bên trái sát dải phân cách vắng xe, nên chuyển sang làn trái để di chuyển, nhường làn phải cho các xe nhập làn. Cách làm này sẽ tránh được rủi ro va chạm, nếu chẳng may xe nhập vào tốc độ thấp, xe đi thẳng lại tốc độ cao.
So với những đường cao tốc khác tại Việt Nam, đoạn cao tốc này tổ chức giao thông phức tạp hơn, bởi ngay tại nơi nhập làn, đường lại bị bóp hẹp từ hai làn xuống một làn. Vì vậy, tài xế càng cần phải chú ý giảm tốc và chủ động chân phanh.
Khi gần tới nút thắt, phía bên phải đường xuất hiện biển báo "Đường hẹp" tam giác vàng. Tuy vậy, khoảng cách từ biển báo tới nút thắt và vạch kẻ đường mũi tên hướng sang trái là khá sát nhau, chỉ vài chục mét, đồng thời làn bị cắt chéo khá nhanh, không có đoạn chạy trớn trước khi cắt. Thông thường, trên những đoạn đường quốc lộ hoặc cao tốc có đường bị bo hẹp, biển này sẽ được đặt trước đó nút thắt khoảng trăm mét. Tài xế khi nhìn thấy biển này sẽ chủ động giảm tốc để vào làn.
Nếu đang đi thẳng và bất ngờ gặp đường thắt, cần giảm tốc độ thật nhanh, nép sát vào bên phải, không cố vượt lên ở làn khẩn cấp, hoặc chen với xe khác tại nút thắt. Đây chính là tình huống dẫn đến tai nạn hôm 18/2.
Với cách bố trí giao thông kết hợp nhập làn và thắt nút như vậy, các tài xế đi qua đây cần chú ý hơn để điều chỉnh tốc độ. Các chuyên gia lái xe an toàn cũng cho rằng, cần có thêm những biển cảnh báo đặt sớm hơn khoảng 100-200 m để tài xế nhận biết.
Bên cạnh những xe đang chạy thẳng trên cao tốc, các tài xế lái xe nhập làn cũng cần cảnh giác cao ở nút giao này. Bởi quãng đường chạy trớn để bắt nhịp tốc độ với dòng phương tiện là khá ngắn, ngay sau đó lại thắt nút cổ chai nên tài xế cần chờ đợi tới khi đường thông thoáng mới cho xe nhập làn. Khi chuyển làn, nhập làn, cần có đầy đủ đèn xi-nhan để ra tín hiệu.
Lượng đường cao tốc ở Việt Nam tăng dần những năm gần đây, cũng là lúc tài xế sẽ bắt đầu làm quen với kiểu giao thông mới nhanh hơn, tiện lợi hơn và cũng có nhiều rủi ro hơn nếu chưa có kỹ năng đủ tốt. Việc thường xuyên chạy đường trường, cao tốc cũng sẽ là cách để các tài xế làm quen biển báo, nhịp giao thông, từ đó tăng kinh nghiệm.
Phạm Hải