Một ủy ban của Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT) đề xuất phát triển cầu nối logistics tự động để vận chuyển hàng hóa nằm ở dải phân cách giữa hoặc đường hầm ngầm dọc các con đường cao tốc.
Ủy ban này đã tổ chức các cuộc thảo luận về hệ thống logistics mới từ tháng hai. Theo bản phác thảo, MLIT đặt mục tiêu hoàn thành dự án, với một đường nối giữa Tokyo và Osaka, sớm nhất vào 2034.
Số lượng các loại bưu kiện nhỏ được giao vận đã tăng gấp đôi trong 30 năm qua do sự nở rộ của xu hướng mua sắm online. Tính đến hết 2030, ước tính 30% số kiện hàng sẽ không được giao do thiếu nhân công.
Ủy ban cũng ước tính rằng cao tốc logistics tự động có thể phục vụ việc vận chuyển hàng hóa tương đương 25.000 tài xế xe tải mỗi ngày. Các băng chuyền có thể tải đến một tấn hàng hóa cỡ nhỏ, như các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản cũng như nhu yếu phẩm.
Thách thức lớn nhất của dự án là chi phí. Theo khảo sát của các công ty xây dựng, chi phí để xây dựng một đường hầm ngầm là khoảng 43-494 triệu USD mỗi 10 km, vì thế hệ thống kết nối giữa Tokyo và Osaka có thể lên đến gần 23 tỷ USD. Khi MLIT lần đầu tiên lên kế hoạch về dự án này vào năm 2000, với đường kết nối nằm trên mặt đất, đã ước tính chi phí xây dựng là 157 triệu USD mỗi 10 km.
Bản phác thảo cũng kêu gọi những cuộc thảo luận để sử dụng khu vực tư nhân lập quỹ cho dự án, bên cạnh việc lập ra một tổ chức để cho phép nhiều loại hình công ty tham gia kế hoạch.
"Dự án không chỉ hướng đến việc giải quyết khủng hoảng logistics, mà còn giúp giảm khí thải nhà kính. Chúng tôi muốn tăng tốc quy trình với những cuộc thảo luận về chủ đề này", đại diện MLIT nói.
Mỹ Anh (theo Japan News)