Những tình huống gặp vật cản bất ngờ trên đường như video phía trên dễ xảy ra trong tình trạng giao thông tại Việt Nam. Nguyên nhân có thể xuất phát khách quan, hoặc chủ quan từ phía tài xế vì mất tập trung, chủ quan. Không chỉ là xe phía trước phanh gấp, các chướng ngại vật bất ngờ có thể là cành cây, tảng đá, ổ gà, hố sâu...
Trong tình huống trên, có hai giải pháp để tài xế lựa chọn, bao gồm phanh gấp để dừng, tránh va chạm hoặc đánh lái gấp để vượt qua vật cản. Tài xế cần xem xét nhiều yếu tố khác nhau để có thể đưa ra quyết định.
Đầu tiên, nếu đó là tình huống bất ngờ, thời gian tài xế phát hiện vật cản đến lúc va chạm ngắn, tốc độ xe đang cao, hoặc điều kiện giao thông không cho phép đánh lái, tài xế nên ưu tiên phanh gấp lại để tránh tai nạn hoặc giảm thiểu mức độ thiệt hại. Phanh dừng xe cũng an toàn hơn khi khi vật cản phía trước không cố định, có khả năng di chuyển.
Đa số các xe con hiện nay đều có trang bị phanh ABS, nên có thể phanh gấp mà không gặp hiện tượng trượt bánh. Đối với xe không trang bị ABS, cần phanh ngắt quãng và liên tục.
Nếu khoảng cách vẫn còn để đánh lái tránh, làn đường bên cạnh không có phương tiện nào và xe của tài xế có đủ công nghệ cân bằng điện tử (VSC/ESC), tài xế có thể đánh lái để tránh. Tuy vậy cần lưu ý nếu điều kiện tốc độ xe quá lớn, mặt đường trơn trượt, xe gầm cao..., rủi ro của việc đánh lái gấp là xe sẽ bị lật, dù có công nghệ hỗ trợ hay không.
Vì vậy, các chuyên gia khuyên chỉ nên đánh lái xe khi cảm nhận được tốc độ ở mức vừa phải, tài xế thực sự hiểu xe và điều kiện thời tiết khô ráo. Trước khi đánh lái, cần quan sát gương hậu, kiểm tra điểm mù, bật xi-nhan, buông ga, nhấn phanh nếu cần thiết để giảm tốc độ, đánh lái về làn an toàn khi đã nhả bớt bàn đạp phanh, và chỉ tăng tốc khi đã vượt qua vật thể.
Để phòng tránh các tình huống phải phanh gấp xảy ra, tài xế phải giữ đủ khoảng cách với các xe phía trước, tùy theo tốc độ di chuyển, không bám quá sát xe phía trước.
Hồ Tân