SpaceX đã hủy bỏ nỗ lực bắt tầng đẩy Super Heavy bằng công nghệ "đũa gắp" vốn rất được mong đợi trong chuyến bay thử nghiệm thứ 6 của Starship - tên lửa mạnh nhất từng được chế tạo. Trong lần thử nghiệm thứ 5 diễn ra hôm 13/10, sự kiện gây chú ý lớn khi tầng đẩy Super Heavy bay chính xác xuống gần tháp phóng Mechazilla và được cánh tay robot, hay "đũa", bắt lại.
Trong chuyến phóng thử nghiệm thứ 6, hệ thống tên lửa Starship cao khoảng 121 m, gồm tầng trên Starship xếp chồng lên tầng đẩy Super Heavy, cất cánh từ cơ sở Starbase của SpaceX tại Texas lúc 16h ngày 19/11 (giờ địa phương) tức 5h ngày 20/11 (giờ Hà Nội). SpaceX đã lên kế hoạch cho tầng đẩy hạ cánh chính xác vào cánh tay robot của tháp phóng "Mechazilla" tại Starbase. Tuy nhiên, điều này không xảy ra.
Sau khi khai hỏa 33 động cơ Raptor mạnh mẽ và đưa tầng trên Starship lên không gian, tầng đẩy Super Heavy tách ra, đảo chiều và tự lái trở về. "Trong giai đoạn này, quá trình kiểm tra sức khỏe tự động của phần cứng trọng yếu trên tháp phóng đã dẫn đến việc hủy bỏ nỗ lực bắt. Tầng đẩy sau đó thực hiện thao tác chuyển hướng được chuẩn bị từ trước, khai hỏa để hạ cánh và đáp nhẹ nhàng xuống Vịnh Mexico", SpaceX cho biết trong một thông báo.
Dan Huot, phát ngôn viên của SpaceX, cho biết, không phải tất cả các tiêu chuẩn để bắt tầng đẩy đều được đáp ứng nên giám đốc chuyến bay đã không ra lệnh cho tên lửa đẩy quay trở lại bãi phóng. Huot không nêu rõ sự cố phát sinh từ đâu.
"Mọi thứ thật ngoạn mục trong lần thử đầu tiên", Kate Tice, quản lý kỹ thuật chất lượng cấp cao tại SpaceX, nhận xét về lần bắt tầng đẩy hôm 13/10. "Nhưng sự an toàn của đội ngũ, công chúng và bệ phóng là quan trọng nhất", Tice nói thêm trong buổi phát sóng trực tiếp của SpaceX hôm 19/11.
Dù tầng đẩy Super Heavy không thể trở về bằng công nghệ "đũa gắp", thử nghiệm đã đạt được nhiều cột mốc đáng chú ý. Tầng trên Starship khai hỏa 6 động cơ của mình để bay lên. Khoảng nửa giờ sau, tầng này đã tái kích hoạt một động cơ trước khi chuẩn bị cho quá trình hồi quyển - lao trở lại xuống khí quyển Trái Đất. Cuối cùng, khoảng một tiếng kể từ thời điểm phóng, nó hạ cánh nhẹ nhàng xuống Ấn Độ Dương.
Theo SpaceX, đây là lần đầu tiên tầng trên Starship kích hoạt thành công một trong những động cơ Raptor của mình khi đang ở trong không gian. Đây là một cột mốc đáng chú ý, theo Garret Reisman, cựu phi hành gia NASA và hiện là cố vấn cho SpaceX. "Các động cơ tên lửa Starship là những quái vật nhỏ khó tính. Không dễ để kích hoạt chúng, tắt đi rồi kích hoạt lại lần nữa", Reisman giải thích.
Tầng đẩy Starship hạ cánh an toàn xuống Ấn Độ Dương và vẫn nguyên vẹn dù đường hạ cánh không thuận lợi. Chuyến bay cũng đã thử nghiệm các sửa đổi với tấm chắn nhiệt, giúp bảo vệ phương tiện khi hồi quyển.
Chuyến bay thứ 6 cũng đánh dấu thời gian quay vòng nhanh nhất từ trước đến nay trong chiến dịch thử nghiệm Starship khi diễn ra chỉ vài tuần sau thử nghiệm thứ 5. SpaceX cũng thay đổi thời gian phóng vào ban ngày nhằm quan sát tốt hơn quá trình Starship trở về. Tất cả những chuyến bay trước đó, tầng trên Starship đều đáp xuống Ấn Độ Dương trong bóng tối, khiến thước phim ghi lại không cung cấp nhiều thông tin chi tiết cho đội ngũ chuyên gia.
Starship là hệ thống phóng đang dần chứng minh tham vọng đưa con người tới sao Hỏa của Elon Musk. Đây là hệ thống tên lửa cao nhất, khoảng 121 m, và mạnh nhất từng được chế tạo, có khả năng tạo ra lực đẩy gần 8.000 tấn khi phóng. Hệ thống gồm tầng đẩy Super Heavy và tầng trên là tàu Starship dùng để chở người và hàng hóa. Nhiệm vụ của Super Heavy là đưa tàu Starship tới một điểm trên quỹ đạo, sau đó Starship sẽ bay tiếp bằng động cơ của mình còn tầng đẩy trở về Trái Đất. Cả hai bộ phận đều có thể tái sử dụng.
NASA đã chọn tàu Starship để đưa phi hành gia đáp xuống Mặt Trăng trong chương trình Artemis. Khi tàu Starship thực hiện hành trình tới Mặt Trăng, nó sẽ phải ở trên quỹ đạo gần Trái Đất trong lúc SpaceX phóng các phương tiện hỗ trợ riêng biệt để tiếp nhiên liệu cho tàu. Nhiệm vụ chở phi hành gia đáp xuống Mặt Trăng sẽ diễn ra sớm nhất vào năm 2026.
Thu Thảo (Tổng hợp)