Tại tờ trình Chính phủ về xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi), Bộ Tài chính cho rằng cần bổ sung quy định về miễn, giảm thuế phù hợp với một số ngành, lĩnh vực để phù hợp điều kiện mới.
Theo đó, Bộ này đề xuất nghiên cứu miễn thuế thu nhập cá nhân với chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải, tín chỉ carbon lần đầu sau khi phát hành. Trước đó, tại dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), doanh nghiệp cũng được đề nghị miễn thuế với hoạt động này.
Nhà chức trách cũng đề xuất miễn thuế với thu nhập từ chuyển nhượng trái phiếu xanh lần đầu sau phát hành và tiền lãi từ trái phiếu này. Chính phủ sẽ quy định chi tiết việc miễn thuế trong các trường hợp này.
Động thái này nhằm thúc đẩy các hoạt động phát triển bền vững, hướng tới thực hiện cam kết của Việt Nam tại hội nghị khí hậu COP26.
Tín chỉ carbon (carbon credit) là một loại giấy phép hoặc chứng chỉ có thể giao dịch, có giá trị mua bán và cung cấp cho người nắm giữ tín chỉ quyền phát thải một tấn CO2 hoặc loại khí thải khác nằm trong danh sách khí thải nhà kính.
Một số nước có chính sách miễn, giảm thuế thu nhập từ chuyển nhượng tín chỉ carbon, như Thái Lan. Trong khi đó, Malaysia, Trung Quốc miễn thuế này với chứng chỉ giảm phát thải. Còn Mexico, Ấn Độ, Mỹ áp dụng nhiều chính sách ưu đãi thuế để thúc đẩy thị trường trái phiếu xanh.
Hiện thế giới có thị trường carbon quốc tế tự nguyện và thị trường carbon nội địa (bắt buộc). Thị trường carbon quốc tế tự nguyện hướng đến nhu cầu tự nguyện giao dịch tín chỉ để phục vụ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nhằm tạo thêm nguồn cung tín chỉ cho thị trường carbon nội địa. Thị trường tín chỉ carbon này đạt cột mốc mới khi các quốc gia đạt thỏa thuận về các quy tắc, tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP29 tại Azerbaijan.
Còn thị trường carbon tự nguyện thường dựa trên cơ sở các hợp đồng, thỏa thuận hợp tác song phương hoặc đa phương giữa các tổ chức, công ty hoặc quốc gia.
Tại Việt Nam, dự kiến tới 2028 thị trường tín chỉ carbon chính thức mới vận hành, theo Nghị định 06/2022 về quy định giảm phát thải nhà kính và bảo vệ tầng ozone.
Để hình thành thị trường này, kiểm kê khí nhà kính là công cụ quan trọng nhằm quản lý lượng phát thải tại doanh nghiệp, địa phương và quốc gia. Theo Quyết định 13/2024, có 2.166 doanh nghiệp trong 6 lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải, xây dựng, công nghiệp, nông – lâm nghiệp và chất thải phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.
Tuy nhiên, PGS. TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết chỉ 10% số doanh nghiệp trên đủ năng lực kiểm kê khí nhà kính.
Thủy Trương