Nghiên cứu mới của Trường Kinh tế London (LSE) và Protiviti chỉ ra mâu thuẫn trong môi trường làm việc đang tạo ra khoảng cách năng suất đáng lo ngại giữa sếp lớn tuổi và nhân viên trẻ. Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng với nhân viên Gen Z (sinh năm 1997-2012) và Gen Y (sinh năm 1981-1996).
Khảo sát trên gần 1.500 nhân viên văn phòng tại Anh và Mỹ cho thấy hơn 1/4 người tự đánh giá có năng suất làm việc thấp tại nơi làm việc. Khoảng 1/3 nhân viên Gen Z thừa nhận làm việc không hiệu quả, trong khi con số này ở Gen Y là 30%.
Những nhân viên có sếp lớn hơn 12 tuổi trở lên - khoảng cách tuổi trung bình giữa sếp và nhân viên - đang báo cáo năng suất giảm 1,5 lần và tỷ lệ không hài lòng với công việc cao gấp 3 lần trung bình.
Gen Z và Gen Y cho rằng để nâng cao năng suất, họ cần rèn luyện thêm các kỹ năng như lắng nghe tích cực, quản lý thời gian và khả năng đưa ra quyết định. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của họ là việc truyền đạt mong muốn này đến quản lý lớn tuổi.
Grace Lordan, người sáng lập và Giám đốc Sáng kiến Hòa nhập tại LSE, nói rằng có nhiều bằng chứng cho thấy mỗi thế hệ đều có sở thích và gu khác nhau. Nhưng nghịch lý chỉ ra các công ty ngày nay không đào tạo kỹ năng quản trị mà luôn kỳ vọng nhân viên ở mọi độ tuổi phải làm việc hài hòa.
Theo nghiên cứu của LSE, các chính sách hòa nhập giữa các thế hệ có thể giúp giảm tỷ lệ năng suất thấp từ 37% xuống 18% ở Gen Z. Từ 30% xuống 13% ở Gen Y.
Kết quả khảo sát cho thấy nếu các công ty đầu tư đào tạo kỹ năng "hòa nhập giữa các thế hệ" cho cấp quản lý và xây dựng môi trường làm việc tích cực, năng suất sẽ được cải thiện.
Nhiều bằng chứng cũng chỉ ra việc xây dựng môi trường làm việc hòa nhập mang lại nhiều lợi ích cho công ty. Nhưng vẫn tồn tại không ít trường hợp sếp chọn cách làm ngược lại, thậm chí công khai phàn nàn về nhân viên trẻ.
Ví dụ điển hình là Jodie Foster, diễn viên và đạo diễn người Mỹ 62 tuổi. Trong cuộc phỏng vấn đầu năm nay với Guardian, bà đã chỉ trích Gen Z "rất phiền phức, đặc biệt trong môi trường công sở".
Foster không đơn độc. Trong cuộc khảo sát của nền tảng thăm dò dư luận Harris thực hiện cho Forture, có đến 4 trên 5 quản lý phàn nàn Gen Z thiếu kỹ năng mềm.
Tuy nhiên, chính các nhân viên trẻ cũng cảm thấy mệt mỏi khi bị chỉ trích mà không nhận được giải pháp nào từ cấp trên.
Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu cho thấy chất lượng công việc và cuộc sống của lao động trẻ bị ảnh hưởng bởi những tiêu chuẩn mà các thế hệ trước áp đặt.
Theo công ty bảo hiểm Vitality, nhân viên dưới 30 tuổi mất khoảng 60 ngày làm việc hiệu quả mỗi năm chủ yếu do gặp vấn đề sức khỏe tinh thần. Họ cũng dễ bị trầm cảm, lo lắng về tài chính và không hài lòng với công việc.
Bên cạnh đó, nền kinh tế ngày càng bất bình đẳng khiến động lực làm việc của người lao động sụt giảm. Dữ liệu từ Cơ quan Thống kê quốc gia Anh (ONS) cho thấy nhân viên thuộc GenY và Gen X (sinh năm 1965-1980) tại Anh đã giảm giờ làm việc đáng kể từ Covid-19.
Trong một video lan truyền trên TikTok, nhà sáng tạo nội dung Robbie Scott đáp lại lời chỉ trích của danh hài Rick Mercer về tình trạng Gen Z làm việc ít hơn các thế hệ trước.
"Chúng ta cần ngừng kỳ vọng những người từng mua nhà bốn phòng ngủ, sở hữu ôtô hạng sang với mức lương 30.000 USD một năm, hiểu được cảm giác phải làm việc 40 giờ/tuần, có bằng thạc sĩ nhưng không đủ tiền thuê căn hộ nhỏ ở bang Iowa (Mỹ) của người trẻ", Scott nói.
Minh Phương (Theo Fortune)