Chiến lược theo đuổi xe điện khác nhau của các hãng tạo nên bức tranh hỗn mang, đi kèm vô số ý kiến trái chiều. Năm 2023 nhiều bất ổn và xe điện một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý vì nhiều kế hoạch đầy tham vọng của các hãng buộc phải dừng lại.
Xe điện tiến tới điểm giới hạn?
Hồi cuối tháng 10, Ford quyết định giảm hoặc thậm chí đóng băng các khoản đầu tư vào thị trường ôtô điện. Kế hoạch sản xuất 600.000 xe điện cũng bị lùi đến cuối thay vì đầu 2024 như dự kiến, theo Les Echos.
Không chỉ Ford, Volkswagen cũng nhận thấy nhu cầu thực tế thị trường không như kỳ vọng. Hãng xe này tạm ngừng sản xuất mẫu xe điện ID 4, hoãn ra mắt ID 7 và sa thải 260 nhân viên tại nhà máy Zwickau (Đức). Trong khi đó, Tesla giảm tốc độ đầu tư cho dự án nhà máy trị giá hàng chục tỷ USD ở Mexico. Honda và General Motors bỏ dở dự án phát triển xe SUV chạy điện giá rẻ.
Nhiều công ty khởi nghiệp ở Trung Quốc, Mỹ và châu Âu bị phá sản. Những công ty sống sót thì vốn hóa thị trường chứng khoán bị tan chảy như Lucid Motors, Rivian, Nikola, Fisker hay Lordstown Motors. Với Lucid Motors, khoản lỗ là 710 triệu USD trên doanh thu 151 triệu USD trong quý II/2023, theo Le Figaro.
Lượng xe điện tồn kho của các "ông lớn" trong ngành ôtô như Volkswagen, Kia, Huyndai. Theo thống kê của Caradisiac, các đại lý ở Mỹ có hơn 92.000 xe điện trong kho chưa bán được, nhiều hơn 3 lần so với cùng kỳ 2022.
Những khó khăn của thị trường xe điện có thể là dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng đối với loại phương tiện này. Viện Quan sát ôtô Cetelem của Pháp cho biết, khoảng 70% người dùng ở châu Âu còn e ngại hoặc không có khả năng chuyển đổi sang xe điện. Lý do chính là giá quá cao, tiếp theo là phạm vi hoạt động giới hạn, thời gian sạc lâu và hạn chế của mạng lưới trạm sạc.
So sánh giá niêm yết các dòng ôtô tại châu Âu, xe điện cao hơn khoảng 25 - 30% so với xe xăng cùng phân khúc (không gồm trợ giá của Chính phủ). Giá xe điện khởi điểm từ 32.800 USD, do đó tầng lớp bình dân không thể tiếp cận được. Hơn nữa, viễn tượng tương lai gần cũng không lạc quan vì bất ổn địa chính trị trên thế giới, kinh tế khó khăn với lãi suất cao hiện tại đang làm tăng nhanh giá các nguyên liệu thô để sản xuất pin, như carbonate lithium tăng 150%, nickel 25%, graphite 15%, theo IEA.
Những khách hàng thích và đủ điều kiện mua xe điện hầu như đã đầu tư vào phương tiện di chuyển này. Họ đa số là những người thích công nghệ mới, nhạy cảm với vấn đề thay đổi khí hậu và khả năng tài chính từ khá trở lên. Khi số người muốn mua đã mua, phần còn lại là thuộc 70% phía trên. Muốn tiến xa hơn, ôtô điện cần phải thuyết phục những khách hàng này, tức phá vỡ trần nhu cầu đang bị bó hẹp hiện tại.
Chuyển hướng sang xe giá rẻ
Để nâng trần thị trường ôtô điện, các nhà sản xuất bắt đầu hướng thị trường tới các loại xe di chuyển hàng ngày với giá phải chăng hơn. Cuộc chạy đua ra mắt những mẫu xe giá rẻ bắt đầu. Dacia trình làng mẫu Spring giá 22.700 USD (sau hỗ trợ là 17.300). Renault, Stellatis, Volkswagen... dự kiến sẽ trình làng trước 2025 các mẫu xe như Twingo E-tech 20250E, VW ID.2all, Fiat Panda, Citroen e-C3... với giá bán khoảng 21.900-27.400 USD, theo L’Argus.
Ông lớn số một toàn ngành xe điện, Tesla cũng tuyên bố sẽ đưa ra thị trường một mẫu xe dưới 27.400 USD. Tuy nhiên, họ sẽ phải đối đầu với các đối thủ Trung Quốc đáng gờm, ví dụ như thương hiệu Jiangnan cung cấp U2, Leapmotor T03 với giá khoảng dưới 21.900 USD.
Thực tế, xe điện giá rẻ chỉ đáp ứng được một thị phần tương đối giới hạn, chủ yếu là những người ít có nhu cầu đi xa. Có lợi thế về giá bán nhưng đi cùng là hạn chế phạm vi hoạt động ngắn hơn và phải sạc thường xuyên hơn. Do đó, chỉ dựa vào loại xe này là không đủ để phá được trần giới hạn sự phát triển ôtô điện pin. Thế giới cần một đột phá công nghệ, như pin thể rắn chẳng hạn, mới phá vỡ được trần hạn chế của ôtô điện hiện nay.
Bức tranh đa diện của xe điện
Khi hầu hết các hãng xe đặt cược tương lai của mình vào duy nhất một thể loại xe điện chạy bằng pin, Toyota và nhiều tập đoàn khác như Honda, Hyundai... chọn chiến lược phát triển xe hybrid, vừa làm bước đệm vững chắc cho xe điện, vừa phù hợp với nhu cầu đa dạng của thị trường. Cùng lúc, họ đầu tư vào công nghệ xe hydro có tiềm năng rất lớn trong tương lai. Chiến lược này đã vấp phải nhiều phê bình của các chuyên gia và các nhà đầu tư nhưng giờ đây lại trở nên có giá trị khi thị trường ôtô điện có dấu hiệu khủng hoảng.
Qua những kế hoạch phát triển xe điện của các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, các tập đoàn xe, bức tranh giao thông trong tương lai sẽ không chỉ có mỗi xe điện.
Xe điện chạy pin được sử dụng cho những di chuyển ngắn, chủ yếu giao thông trong thành phố. Xe chạy bằng hydro (công nghệ pin nhiên liệu), động cơ đốt trong được sử dụng cho các xe kích thước lớn, nặng như xe tải, xe khách... Xe lai điện-xăng (hybrid) với tầm hoạt động lớn được sử dụng cho các ôtô chạy liên tỉnh.
Với xe điện dùng pin, hai công nghệ điện bình (sạc điện ngoại) và pin nhiên liệu hydro sẽ cạnh tranh để tìm ra giải pháp tối ưu nhất. Hiện tại cuộc đối đầu này vẫn chưa có phán quyết vì mỗi công nghệ còn nhiều nhược điểm cần vượt qua.
Xe điện bình phạm vi hoạt động còn hạn chế và mất nhiều thời gian để sạc. Hơn nữa, loại này có thể không thải khí COx, nhưng quá trình sản xuất xe và pin cũng như việc tái chế các bộ phận cấu thành nên pin cũng tạo ra lượng khí thải COx. Ngoài ra, việc khai thác nguyên liệu thô gây ra các vấn đề về mặt môi trường và xã hội. Nguồn tích lũy trên thế giới cũng giới hạn, mau chóng cạn kiệt.
Công nghệ pin nhiên liệu hydro có tiềm năng cao nhưng hiện tại chưa có các cơ sở sản xuất hydro sạch, tức phải dùng từ nguồn điện tái tạo. Vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng phân phối nhiên liệu hydro rất cao, khiến không nhiều công ty mặn mà, khách hàng vì thế cũng rất dè dặt khi muốn sở hữu loại xe này.
Tiến sĩ Khương Quang Đồng