BS.CKII Huỳnh Kim Khoe, Trưởng đơn vị Sản Phụ khoa, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, cho biết trẻ khỏe mạnh, thông minh phụ thuộc vào cách chăm sóc, dinh dưỡng, môi trường giáo dục và gene. Ba mẹ có thể cho con khởi đầu tốt bằng cách nâng cao sức khỏe, dinh dưỡng, tâm lý, thay đổi lối sống phù hợp trước và trong khi mang thai.
Khám sức khỏe, tư vấn trước mang thai
Nếu có ý định sinh con trong năm 2025, bác sĩ Kim Khoe khuyến cáo phụ nữ nên khám sức khỏe trước mang thai bao gồm khám tổng quát, khám phụ khoa, xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm phụ khoa... Khám sức khỏe giúp phát hiện sớm nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của thai phụ và thai nhi như bệnh tim mạch, tiểu đường, lupus, bệnh nhiễm trùng hoặc lây truyền qua đường tình dục. Bác sĩ hỏi tiền sử thai sản, tiền căn bệnh của gia đình, tầm soát bệnh di truyền... để điều trị, kiểm soát tốt trước khi mang thai.
Tiêm vaccine dự phòng
Hệ thống miễn dịch của thai phụ nhạy cảm hơn bình thường, tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh. Bác sĩ Kim Khoe cho biết tiêm phòng là cách tốt để bảo vệ cả thai phụ và thai nhi khỏi bệnh truyền nhiễm. Phụ nữ nên khám sức khỏe trước mang thai để bác sĩ tư vấn lịch tiêm chủng vaccine HPV, sởi, quai bị, rubella, thủy đậu, cúm...
Không dùng chất kích thích
Trước khi chuẩn bị mang thai, phụ nữ nên hạn chế sử dụng caffeine, bia, rượu, thuốc lá... bởi có thể ảnh hưởng sức khỏe của thai nhi, tăng nguy cơ dị tật. Tiêu thụ quá mức caffeine khiến mẹ bầu hồi hộp, khó ngủ, dễ sảy thai. Uống bia, rượu, hút thuốc lá trực tiếp hoặc thụ động dễ ảnh hưởng hệ thần kinh, gây dị tật thai.
Bổ sung dưỡng chất cần thiết
Sự tăng trưởng của thai nhi phần lớn quyết định bởi chất dinh dưỡng trong tuần hoàn của thai phụ. Nếu thai phụ có chế độ dinh dưỡng cân bằng, thức ăn đa dạng sẽ cung cấp dinh dưỡng tốt cho thai phát triển. Ngược lại, ăn uống thiếu chất hoặc quá thừa chất làm tăng nguy cơ thai chậm tăng trưởng trong tử cung, thai to, dị tật...
Chuẩn bị tâm lý trước mang thai
Trước khi mang thai, sinh con, phụ nữ cần chuẩn bị tâm lý vì công việc, sức khỏe có thể xáo trộn. Phụ nữ làm công việc nặng nhọc nên chủ động thay đổi phù hợp. Người thường xuyên căng thẳng, bận rộn, làm việc trong môi trường nhiều khói bụi và hóa chất công nghiệp hoặc đứng quá lâu, làm việc nhiều giờ liên tục có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Những thay đổi vóc dáng, làn da, ốm nghén... có thể khiến thai phụ suy kiệt sức khỏe, tinh thần.
Tuệ Diễm
Độc giả gửi câu hỏi về mang thai, sinh con tại đây để bác sĩ giải đáp |