Được đầu tư 4,5 triệu tệ, không gian này rộng hơn 800 m2. Dưới vỏ bọc của các công ty công nghệ sinh học, vài năm nay họ đã bí mật phát triển một doanh nghiệp mang thai hộ.
Hoạt động của họ là một chuỗi các dịch vụ từ lấy trứng, chuyển phôi đến xử lý, sắp xếp cho các bà mẹ mang thai hộ sinh con trong các bệnh viện dưới danh tính giả. Giấy khai sinh được bán với giá từ 50.000 tệ (175 triệu đồng).
Những người phụ nữ tham gia chương trình được gọi bằng mã số thay vì tên thật và được phân loại thành cao cấp hoặc thấp cấp dựa trên ngoại hình và tình trạng sức khỏe với giá mỗi trứng được niêm yết rõ ràng.
Các dịch vụ mang thai hộ này có giá 750.000 tệ (hơn 2,6 tỷ đồng) và lên tới 950.000 tệ (hơn 3,3 tỷ đồng) nếu lựa chọn giới tính.
Nhà hoạt động chống buôn người Shangguan Justice và Đài truyền hình Hà Nam đã phát hiện việc lấy trứng và chuyển phôi được thực hiện bởi các bác sĩ công của các bệnh viện hàng đầu như Bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em Thanh Đảo và Bệnh viện Phụ sản Liên Trì Thanh Đảo.
Bản tin điều tra cũng đã phơi bày những câu chuyện đau lòng về những người phụ nữ trẻ phải trải qua phẫu thuật mà không có thuốc gây mê để tiết kiệm chi phí. Một số trường hợp do sơ suất đã không được tiêm thuốc gây tê, tiếng kêu la đau đớn của họ vang vọng khắp hành lang.
Sau khi báo cáo được công bố, Ủy ban Y tế thành phố Thanh Đảo với công an và giám sát thị trường đã tiến hành xác minh. Hôm 30/10, đội điều tra đã công bố kết quả và bắt giữ người đứng đầu của công ty công nghệ sinh học này. 5 nhân viên y tế khác phải đối mặt với nhiều hình phạt khác nhau: tịch thu thu nhập bất hợp pháp, thu hồi giấy phép hành nghề y và giảm quyền lợi hưu trí.
Nhiều cư dân mạng chỉ trích các hình phạt là quá nhẹ. Song trên thực tế, từ khi cơ quan mang thai hộ đầu tiên được thành lập vào những năm 1990, Trung Quốc vẫn chưa có bất kỳ luật nào cấm rõ ràng. Đặc biệt sau khi nước này nới lỏng chính sách một con năm 2014, một mạng lưới thông đồng bất hợp pháp giữa các bệnh viện và các cơ quan mang thai hộ đã ra đời.
Việc quản lý mang thai hộ ở Trung Quốc đang nằm ở "vùng xám", khi luật pháp không cấm, nhưng chính phủ lại không cho phép. Châm ngôn "mọi thứ không bị cấm đều được phép", cùng với nhu cầu từ các gia đình đã dẫn đến việc mang thai hộ ngày càng trở nên công khai ở nước này.
Nhà hoạt động chống buôn người Shangguan Justice cho biết sau vài năm bị kiểm soát gắt gao, các "thiên đường mang thai hộ" như Quảng Đông, Hồ Nam, Hồ Bắc, Giang Tô và Chiết Giang dần giảm và ngừng hoạt động. Tuy nhiên, các đường dây lại chuyển sang Vân Nam và Tứ Xuyên.
Chi phí mang thai hộ ở Trung Quốc thường dao động từ 400.000 tệ đến 500.000 tệ, thậm chí lên tới một triệu tệ. Những người trong ngành cho biết mỗi giao dịch có thể mang lại lợi nhuận từ 30% đến 60%.
Theo Báo cáo Tình trạng Vô sinh Trung Quốc năm 2023, tỷ lệ vô sinh của nước này chiếm 18,2% dân số, tức ảnh hưởng đến hơn 50 triệu người, tăng so với 16% vào năm 2018.
Đối với 50 triệu người muốn có con nhưng không thể thụ thai này, hiện không có kênh hợp pháp nào trong nước để hiện thực hóa ước mơ của họ. Bất chấp những rủi ro pháp lý đáng kể, mang thai hộ trở thành lựa chọn của họ.
Một số người lập luận rằng mang thai hộ trái phép hàm ý coi quyền sinh sản của phụ nữ như một loại hàng hóa và cơ thể phụ nữ chỉ là cỗ máy sinh sản, do đó chà đạp nghiêm trọng lên quyền và phẩm giá của phụ nữ.
Bảo Nhiên (Theo Thinkchina)