BS.CKI Lê Quang Hưng, Trung tâm Y học bào thai, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết một số yếu tố có thể làm cho thai nhi ngừng phát triển sau tuần 20. Do đó, thai phụ cần lưu ý những điều dưới đây để giảm nguy cơ thai lưu.
Khám thai định kỳ
Khám thai đúng lịch nhằm theo dõi sự phát triển của thai nhi, phát hiện sớm bất thường. Từ đó, bác sĩ có biện pháp can thiệp kịp thời, hạn chế biến chứng. Theo bác sĩ Hưng, có 6 mốc khám thai quan trọng cho một thai kỳ diễn tiến bình thường. Nếu thai phụ mắc bệnh lý, tiền sử gia đình hoặc thai kỳ trước có bất thường, bác sĩ có thể chỉ định khám thêm.
Thời điểm thích hợp để khám thai lần đầu là phụ nữ chậm kinh hai tuần so với chu kỳ bình thường, thử thai có hai vạch. Siêu âm xác định có thai, tình trạng thai, số lượng thai, tuổi thai.
Lần thứ hai là 11-13 tuần 6 ngày, mốc quan trọng này giúp sàng lọc, phát hiện sớm các dị tật thai. Siêu âm đo độ mờ da gáy tầm soát bất thường nhiễm sắc thể, Doppler động mạch tử cung hai bên đánh giá nguy cơ tiền sản giật. Giai đoạn này còn sàng lọc nhau cài răng lược nếu thai phụ có vết mổ cũ, xác định số bánh nhau, túi ối trong trường hợp song thai.
Mốc khám thai thứ ba là 20-24 tuần, khảo sát hình thái học thai nhi, tầm soát dị tật thai, đo chiều dài cổ tử cung sàng lọc sinh non. Mốc thứ 4 là 28-32 tuần, tầm soát bất thường thai xuất hiện muộn và đánh giá sự tăng trưởng thai. Ở tuần 34-36, khám thai giúp phát hiện thai nhỏ, chậm tăng trưởng xuất hiện muộn.
Thời điểm 38-39 tuần, bác sĩ chẩn đoán ngôi thai, lượng nước ối, xác định vị trí nhau, đo sinh trắc học ước tính cân nặng thai chuẩn bị cho cuộc sinh.
Ăn uống lành mạnh, vận động phù hợp
Chế độ ăn đủ chất, lành mạnh cung cấp dinh dưỡng thiết yếu cho thai nhi, tăng cường sức khỏe tổng quát của thai phụ, ngăn ngừa bệnh tật. Mẹ bầu nên ăn uống đa dạng, đảm bảo ăn chín, uống sôi, uống đủ nước, ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày. Hạn chế đồ ăn nhanh, đã qua chế biến, nhiều đường, muối không tốt cho sức khỏe.
Duy trì hoạt động thể chất phù hợp giúp thai phụ tăng cường sức khỏe, cải thiện tuần hoàn máu, giải tỏa căng thẳng, kiểm soát cân nặng. Điều này góp phần hạn chế nguy cơ thai chết lưu.
Tránh thuốc lá, không uống rượu bia
Các hóa chất trong thuốc lá đi qua bánh nhau truyền cho bào thai, ngăn cản oxy và chất dinh dưỡng nuôi thai. Mẹ bầu hút thuốc lá có thể khiến thai nhi chậm tăng trưởng trong tử cung, mắc dị tật bẩm sinh, lưu thai, sinh non, tử vong sau sinh... Hút thuốc lá thụ động (hít khói thuốc của người khác) cũng có hại trong thai kỳ.
Rượu, các loại nước chứa cồn ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, tăng tỷ lệ sảy thai, thai lưu. Trẻ sau sinh có thể bị rối loạn hành vi, khó kiểm soát cảm xúc, tăng động, chậm nói hoặc mắc một số bệnh liên quan đến xương, khớp, cơ và một số cơ quan khác.
Tiêm vaccine cúm
Thai phụ có nguy cơ mắc biến chứng cúm cao hơn so với người bình thường. Những biến chứng này có thể gây hại cho bào thai bao gồm dị tật bẩm sinh, giới hạn tăng trưởng trong tử cung, sảy thai, lưu thai... Tiêm vaccine còn tăng khả năng bảo vệ cho trẻ. Kháng thể bé được nhận từ mẹ có thể kéo dài trong vài tháng sau sinh.
Rửa tay, tránh bệnh truyền nhiễm
Thai phụ nên tránh tiếp xúc với người có dấu hiệu như nôn mửa, tiêu chảy, sốt cao... hoặc mắc bệnh truyền nhiễm gồm thủy đậu, sởi, Covid-19. Rửa tay trước khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc thay tã để giảm nguy cơ nhiễm trùng.
Ngọc Châu
Độc giả gửi câu hỏi về mang thai sinh con tại đây để bác sĩ giải đáp |