Tôi không đồng tình với ý kiến "Tiền học lái xe ngày càng đắt, tài xế ngày càng liều ". Vấn đề thứ nhất là việc cấp bằng lái ôtô, tôi xin phép chia sẻ quá trình thi bằng B2 mà tôi vừa được cấp vào tháng 12/2023, đã có nhiều thay đổi so với trước đó.
Tôi đóng 21,5 triệu đồng, có thể có sự chênh lệch nhỏ ở các trung tâm đào tạo. Điều kiện cần để được dự thi sát hạch gồm: Học lý thuyết, lái xe mô phỏng trên cabin tại trung tâm đào tạo (bắt buộc đủ 3 tiếng), làm quen xe và học các bài thi sa hình (4-20 giờ, tùy năng lực từng người), thực hành lái xe trên sân tập lái (bắt buộc đủ 290 km), chạy thực tế trên đường giao thông (bắt buộc đủ 810 km và đủ 20 giờ chạy xe).
Điều kiện đủ để được cấp bằng: đạt phần thi lý thuyết: 32/50 câu, đạt phần thi mô phỏng: 35/50 điểm, đạt phần thi sa hình: 80/100 điểm, đạt phần thi lái xe đường trường: 2.000 km, 80/100 điểm.
Tất cả quá trình học chạy thực tế trên đường và học trên sân tập đều được thiết bị giám sát hành trình ghi lại. Đăng nhập hệ thống bằng thẻ từ và nhận diện khuôn mặt. Hành trình lái xe được ghi lại và hình ảnh học viên mỗi 5 phút sẽ được cập nhật lên hệ thống. Một học viên không được lái xe quá 3 tiếng mỗi ca học và không quá 10 tiếng một ngày. Chỉ cần sai sót vì lý do chủ quan hay khách quan thì buổi học hôm đó đều không được tính. Đó là lý do tôi phải học bù lái xe trên đường 2 buổi do hệ thống chưa ghi nhận đủ 810 km và thiếu mất 14 phút để đủ 20 giờ thời gian lái xe trên đường giao thông.
Qua quy trình tôi chia sẻ ở trên, tôi chắc chắn rằng bất kỳ học viên nào học xong một cách nghiêm túc cũng đều tự tin cầm lái, có đủ khả năng kiểm soát xe an toàn. Đó là lý do vì sao học phí lại tăng lên đáng kể như vậy.
Vấn đề thứ 2 tôi muốn chia sẻ, điều kiện giao thông, hạ tầng, sự tăng trưởng về dân số và tình hình phát triển kinh tế xã hội năm 2010, không thể đem so sánh một cách ngang bằng với năm 2023 được. Sau 13 năm từ 2010-2023, theo Tổng cục thống kê, dân số Việt Nam tăng từ 89 triệu người lên 99 triệu người (tăng 11,24%), tình hình giao thông phức tạp hơn do hạ tầng giao thông ngày càng phát triển. Với sự gia tăng về dân số và nhu cầu của người dân thì số phương tiện và loại phương tiện cũng tăng lên rất nhiều. Kèm theo đó là sự phát triển của nền kinh tế, nên nhu cầu về giao thông và vận chuyển hàng hóa cũng tăng lên.
Theo Tổng cục thống kê, năm 2015 khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển tại Việt Nam là 522,8 triệu tấn, tới năm 2020 thì con số này là 879,5 triệu tấn, tăng 68,23% trong 5 năm, vậy thử hỏi sau 13 năm thì nhu cầu vận chuyển hàng hóa này tăng gấp mấy lần? Những hàng hóa này sau khi cập cảng sẽ được vận chuyển bằng đường bộ đi khắp cả nước. Một khía cạnh khác để thấy được sự phát triển về hạ tầng giao thông. Trước năm 2017 chúng ta mới chỉ đầu tư xây dựng được 611 km đường cao tốc. Giai đoạn 2017-2020 chúng ta xây dựng được 654 km cao tốc. Giai đoạn 2021-2025 chúng ta đang thực hiện xây dựng và đã gần hoàn thành 729 km cao tốc Bắc - Nam. Điều này cho thấy, trong 8 năm 2017-2025, chúng ta đã và đang làm số km đường cao tốc gấp hơn 2 lần giai đoạn từ 2017 trở về trước.
Kết lại, sau 13 năm, tình hình kinh tế, dân số và các vấn đề liên quan tới giao thông đường bộ của chúng ta tăng trưởng mạnh mẽ như vậy, nhưng chúng ta vẫn kiểm soát tốt được tình hình giao thông (số vụ tai nạn giảm nhẹ sau 13 năm). Vậy đây là tín hiệu tích cực chứ không phải tiêu cực.
Độc giả Lê Hoàng