Giữa tháng 11, Tesla thêm điều khoản vào hợp đồng mua bán đối với mẫu bán tải Cybertruck. Thỏa thuận nêu rõ, rằng khách hàng "sẽ không bán hoặc tìm mọi cách bán lại xe trong năm đầu tiên kể từ ngày giao xe".
Theo đó, với ai vi phạm hợp đồng, Tesla có quyền kiện ra tòa, hoặc yêu cầu bồi thường thiệt hại 50.000 USD hoặc nhiều hơn. Điều khoản này áp dụng cả với việc bán lại tài khoản đặt hàng trên hệ thống của Tesla.
Tuy nhiên, thỏa thuận này gây tranh cãi, thậm chí sự chống đối từ các khách hàng cho đến những người quan tâm khiến Tesla phải xóa khỏi các bản hợp đồng.
Nhưng giờ đây, hãng xe điện đã đưa trở lại điều khoản trên, với câu chữ chính xác như hồi tháng 11. Có nghĩa, khách hàng sẽ không được bán lại Cybertruck trong năm đầu tiên mà không có sự cho phép bằng văn bản từ Tesla.
Tesla quyết định hành động có thể nhằm ngăn chặn các chủ xe Cybertruck nhanh chóng bán lại xe để kiếm lời. Tuy nhiên, dường như cách làm này không thành công. Nhiều người vẫn có thể tìm ra cách thức vi phạm hợp đồng.
Thực tế, việc các hãng xe phạt khách hàng vì vi phạm điều khoản bán lại xe như Tesla đã xảy ra, nhưng rất ít. Tỷ lệ chưa đến 1% số xe trên thị trường là chủ thể của những quy định tương tự, và các hãng sản xuất chỉ áp dụng cách này cho những phiên bản đặc biệt với số lượng giới hạn để bảo vệ hình ảnh sản phẩm cũng như mức giá, Ivan Drury, nhà phân tích ôtô ở Edmunds nói với Business Insider.
Ford GT là một ví dụ khi hãng Mỹ từng kiện đô vật kiêm diễn viên John Cena sau khi tài tử này bán lại chiếc GT vào tháng 11/2017. Cùng năm, Ford bán được 138 chiếc GT. Vụ kiện sau đó được hai bên tự dàn xếp.
Mỹ Anh