Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết trẻ dưới 15 tuổi dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2022, 869.000 trẻ em và thanh thiếu niên 5 đến 14 tuổi tử vong do nhiều nguyên nhân khác nhau. Các bệnh dưới đây thường gặp và ảnh hưởng nặng tới trẻ em, cần chủ động phòng ngừa:
Viêm não Nhật Bản
Đây là bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em, phổ biến vào tháng 5-7. Mầm bệnh lây truyền sang người thông qua muỗi đốt.
Bệnh có tỷ lệ tử vong cao hoặc có thể dẫn đến tình trạng tổn thương não vĩnh viễn. Hiện, viêm não Nhật Bản chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tập trung chăm sóc, điều trị triệu chứng lâm sàng nặng.
Việt Nam đang có ba loại vaccine viêm não Nhật Bản, dùng cho trẻ từ 9 hoặc 12 tháng tuổi. Trong đó, một loại vaccine cần tiêm nhắc ba năm một lần sau lịch tiêm cơ bản.
Bạch hầu
Bạch hầu có thể lây từ người bệnh hoặc người mang vi khuẩn không biểu hiện triệu chứng. Bệnh lưu hành trên toàn cầu và thường nhiễm chủ yếu ở nhóm dưới 15 tuổi không được tiêm vaccine.
Bạch hầu có thể biến chứng viêm cơ tim, nhiễm độc thần kinh dẫn đến tử vong. Thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, tỷ lệ tử vong của bệnh khoảng 5-10%.
Theo bác sĩ Chính, điểm chung của nhiều vụ dịch bạch hầu tại Việt Nam là có số lượng lớn trẻ không được tiêm nhắc vào các mốc 4-6, 9-15 tuổi. Khi thiếu các mũi nhắc lại, tỷ lệ mắc và diễn biến bệnh nặng sẽ cao hơn.
Để tạo miễn dịch tốt nhất, vaccine phòng bệnh bạch hầu được khuyến cáo tiêm ngừa cho tất cả trẻ nhỏ, với bốn mũi trước hai tuổi, gồm: ba mũi khi 2, 3, 4 tháng tuổi, nhắc lại lúc 16-18 tháng tuổi. Sau đó, trẻ cần tiêm nhắc vaccine có thành phần bạch hầu vào các mốc 4-6, 9-15 tuổi, tiếp theo tiêm nhắc 10 năm/lần.
Thủy đậu
Thủy đậu gây phát ban ngứa với các bóng nước, lan từ ngực, lưng và mặt, rộng ra toàn bộ cơ thể. Triệu chứng bệnh có thể bao gồm sốt, mệt mỏi, chán ăn và đau đầu.
Bệnh thường kéo dài khoảng 7-10 ngày. Thủy đậu có thể trở nặng, biến chứng tử vong trẻ sơ sinh, thanh thiếu niên, người lớn, người đang mang thai hoặc những người có hệ thống miễn dịch suy yếu.
Hiện Việt Nam có ba loại vaccine phòng ngừa thủy đậu cho trẻ từ 9 hoặc 12 tháng, phác đồ hai mũi cách nhau 1-3 tháng tùy theo độ tuổi.
Viêm não mô cầu
Bệnh não mô cầu do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra, ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, bao gồm cả thanh niên khỏe mạnh. Neisseria meningitidis là nguyên nhân hàng đầu gây viêm màng não do vi khuẩn ở trẻ em và thanh niên, đồng thời đứng thứ hai gây viêm màng não do vi khuẩn ở người lớn.
Theo Viện Y khoa quốc gia Mỹ, biểu hiện muộn của bệnh do não mô cầu bao gồm cứng cổ, sợ ánh sáng, xuất huyết dưới da hoặc phát ban xuất huyết, thay đổi trạng thái tinh thần, sốc, màu da bất thường... Khoảng 3% bị suy giảm thính lực và cắt cụt chi, 10% viêm khớp.
Hiện Việt Nam có ba loại vaccine viêm màng não mô cầu, tiêm cho trẻ từ 2, 6 và 9 tháng tuổi tùy theo mỗi loại. Ba loại vaccine này được sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới, có hai loại phòng nhóm B thế hệ mới và nhóm ACYW-135 được ưu tiên sử dụng để phòng ngừa nhiều hơn các chủng vi khuẩn gây bệnh.
Kim Oanh