ThS.BS Lê Nhất Nguyên, Trưởng đơn vị Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Quận 8, cho biết phụ nữ dự định mang thai có các vấn đề sức khỏe có thể ảnh hưởng đến thai kỳ cần kiểm soát bệnh để sinh con thuận lợi.
Béo phì
Béo phì khiến phụ nữ tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ, tiền sản giật, ngưng thở khi ngủ. Phụ nữ thừa cân, béo phì khi mang thai cũng khiến thai có nguy cơ cao bị dị tật bẩm sinh, thai to, sinh non, thai chết lưu. Phụ nữ thừa cân có xu hướng chuyển dạ lâu hơn, bác sĩ khó theo dõi em bé, tăng nguy cơ sinh mổ.
Phụ nữ thừa cân nên kiểm soát cân nặng trước khi mang thai bằng cách tập thể dục, đến bác sĩ dinh dưỡng khám để giảm cân phù hợp.
Đái tháo đường thai kỳ
Bác sĩ Nhất Nguyên cho biết mức đường huyết cao ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của cả nam, nữ. Nữ giới mắc bệnh đái tháo đường thường giảm khả năng sinh sản do thừa cân, béo phì, rối loạn phóng noãn, rối loạn kinh nguyệt, vô kinh. Đường huyết cao ở phụ nữ chuẩn bị mang thai hay đang mang thai còn làm tăng nguy cơ bị dị tật cho thai, nhất các dị tật tim mạch, dị tật ống thần kinh...
Phụ nữ mắc bệnh đái tháo đường cần kiểm soát đường huyết chặt chẽ, đảm bảo sức khỏe cho cả bản thân và thai nhi. Chỉ số đường huyết lúc đói cho phép chỉ dưới 5,3 mmol/l, chỉ số sau ăn hai giờ cần đạt mức dưới 6,7 mmol/l.
Huyết áp cao
Nếu thai phụ bị huyết áp cao, thai nhi có nguy cơ hạn chế tăng trưởng, từ đó tăng khả năng sảy thai, chết lưu. Thai phụ có tiền sử tăng huyết áp dễ mắc tiền sản giật, nguy cơ gây biến chứng nguy hiểm cho người mẹ như phù não, suy thận cấp, rối loạn đông máu, vỡ gan, suy tim cấp, suy gan, thai nhi có thể bị chậm phát triển, chết lưu, sinh non.
Bệnh động kinh
Bác sĩ Nguyên cho biết trước đây, phụ nữ động kinh được khuyến cáo không nên mang thai. Tuy nhiên, hiện nay với sự phát triển y khoa, nhóm phụ nữ này có thể kiểm soát bệnh, mang thai, sinh con thành công. Tuy nhiên, phụ nữ có các cơn động kinh có thể nguy hiểm cho thai như chấn thương nặng, thiếu oxy máu, tổn thương thai nhi, khả năng sinh non, lưu thai. Phụ nữ bị động kinh, cần trao đổi với bác sĩ điều trị bệnh để kiểm soát cơn động kinh trước, trong và sau khi mang thai.
Lớn tuổi
Phụ nữ lớn tuổi thường có chất lượng noãn kém. Do đó, phụ nữ mang thai khi ngoài 35 tuổi sẽ tăng nguy cơ dị tật thai, thai kém phát triển, bất thường di truyền như hội chứng Down. Phụ nữ tuổi cao mang thai dễ gặp biến chứng thai kỳ như đái tháo đường thai kỳ, huyết áp cao, tiền sản giật...
Tuy nhiên, bác sĩ Nhất Nguyên cho biết dịch vụ chăm sóc trước sinh có thể giúp nhóm mẹ bầu lớn tuổi mang thai an toàn. Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, phụ nữ sinh con muộn được tư vấn, xét nghiệm trước mang thai, sàng lọc và tư vấn di truyền, lập kế hoạch mang thai, chăm sóc, sàng lọc trong thai kỳ... Từ đó thai phụ có thể giảm các tai biến trong thai kỳ, mang thai, sinh con khỏe mạnh.
Tuệ Diễm
Độc giả gửi câu hỏi về mang thai, sinh con tại đây để bác sĩ giải đáp |