Trước cửa căn nhà ở đường Thoại Ngọc Hầu (quận Tân Phú), cặp vợ chồng Việt - Thổ Nhĩ Kỳ đứng trao đổi với nhau về bữa trưa. Một người không biết cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, một người hoàn toàn "mù tịt" tiếng Thổ nên 6 năm qua họ nói chuyện với nhau bằng công cụ dịch.
"Ổng ham làm lắm, gần như không lúc nào chịu rời cái xe nước mía kể cả khi không có khách", chị Nguyễn Thị Chung, 48 tuổi, giám đốc một công ty thiết bị điện ở quận 8 nói về chồng.
Trước khi gặp chị Chung, anh Huseyin Karaks vốn là công nhân xây dựng ở TP Tunceli (Thổ Nhĩ Kỳ), góa vợ và có một con trai. Cuộc sống cô độc, anh sử dụng mạng xã hội để kết bạn. Một lần Facebook đề xuất tài khoản của chị Chung. Huseyin tò mò bấm xem và lập tức ấn tượng với ảnh đại diện người phụ nữ Việt Nam ngồi trên xe môtô phân khối lớn.
"Cô ấy tỏ ra là người cá tính, tràn đầy năng lượng và đặc biệt là nụ cười rất tươi", anh nhớ lại. Thời điểm đó, chị Chung cũng đã bước ra cuộc hôn nhân cũ 5 năm, hai con đã trưởng thành.
Khi người đàn ông ngoại quốc không quen biết cứ bình luận, nhắn tin, chị cảm thấy rất phiền nên bấm nút "chặn". Nhưng Huseyin lại tạo tài khoản khác để tiếp cận. Sự kiên nhẫn của anh khiến người phụ nữ Việt thấy kỳ lạ nên cũng vào trang cá nhân của Huseyin tìm hiểu. Điều gây ấn tượng nhất với chị là mỗi năm anh lại đăng một bức ảnh cùng con trai ngồi bên mộ vợ.
Họ bắt đầu cuộc trò chuyện nhiều hơn. Cả hai đều không nói được tiếng Anh, phải sử dụng ứng dụng dịch thuật. Trong cuộc gọi video đầu tiên, hai bên chỉ biết nhìn nhau cười.
Kể từ hôm đó, mỗi ngày đi làm về Huseyin luôn nhận được tin nhắn hỏi thăm của người phụ nữ Việt cùng lời nhắc anh nấu súp nóng, mua thêm áo khoác, găng tay. "Tôi cảm thấy trái tim mình được sưởi ấm", anh nói.
Trong khi đó, chị Chung dần có tình cảm với người đàn ông luôn dành ba, bốn giờ mỗi ngày gọi điện trò chuyện với mình. Chị chứng kiến anh sấy tóc cho con trai, giặt giũ và rửa bát, cảm nhận anh là người sống vì gia đình.
"Nhưng không ai tin vào tình yêu của chúng tôi", chị kể.
Cuối năm 2018, mạng xã hội rộ lên trò lừa đảo chuyển tiền, nhận quà của người nước ngoài, nên bố mẹ chị Chung rất lo lắng về mối quan hệ của con gái. Các con chị thấy mẹ cặm cụi bên điện thoại trò chuyện với người đàn ông ở cách xa 8.000 km, thì sợ chị thêm một lần đau khổ.
Chị Chung cũng cảm thấy mệt mỏi, hoài nghi bởi mối quan hệ kéo dài hơn một năm không có kết quả rõ ràng. "Nếu anh thương em thì về gặp em", chị gửi tin nhắn đề nghị vào đầu 2019.
Năm đó, Huseyin Karaks 46 tuổi, nghĩ rằng mình không còn đủ mộng mơ vào tình yêu nhưng cảm thấy không thể sống thiếu Chung. Tuần sau, anh vay bạn bè 2.000 USD để làm lộ phí sang Việt Nam. Giữa sân bay Tân Sơn Nhất nghịt người, anh vẫn nhận ra Chung và ôm lấy cô.
"Tôi cảm thấy như đã yêu nhau từ rất lâu, bất đồng ngôn ngữ nhưng không có khoảng cách nào", Huseyin Karaks nói.
Một tháng ở TP HCM đã khiến gia đình Chung dần có thiện cảm với Huseyin. Anh kiệm lời nhưng hiền lành, chu đáo và rất quan tâm chị. Anh thích khí hậu ấm áp của TP HCM cùng nhiều món ngon.
Khi thời gian ở Việt Nam gần cạn, Huseyin Karaks đề nghị bạn gái "mình cưới nhau đi" khiến chị Chung vô cùng ngạc nhiên.
"Một quyết định nhanh nhưng tôi biết rằng mình không nông nổi", anh nói. "Tôi nghĩ mình có thể gắn bó với cô ấy và Việt Nam hết phần đời còn lại".
Vài đêm suy nghĩ, chị Chung quyết định "đặt cược" lần nữa vào hôn nhân. Sau dịp lễ 30/4 năm đó, họ bay đến Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Hà Nội để làm thủ tục kết hôn. Anh bày tỏ mong muốn sống ở Việt Nam và chuyển sang làm việc cho công ty của vợ.
Huseyin hứa về nước thu xếp việc nhà trong một tháng và trở lại. Chị âm thầm đặt 4.000 USD đặt dưới vali để anh làm lộ phí. Khi phát hiện ra khoản tiền, anh Huseyin xin phép chị trích ra một phần để làm lại mộ cho vợ cũ. Ngôi mộ lẫn dưới nền đất, cỏ mọc um tùm được lát gạch khang trang.
"Đó là lời tiễn biệt cuối cùng của anh trước khi sang Việt Nam", chị Chung nói. "Tôi cảm thấy người đàn ông này sống rất tình nghĩa".
Đây cũng là điều mà người phụ nữ Việt cảm nhận rõ rệt nhất ở chồng trong quá trình chung sống.
Cuối năm 2021, dịch bệnh làm công ty của chị đóng băng, không thể sản xuất, kinh tế chật vật. Cùng thời điểm, gia đình xảy ra nhiều chuyện khiến chị bị suy kiệt.
Chung đờ đẫn nằm nhà, chồng là người lo cơm, nước, thuốc thang. Một lần, chị bị lên cơn co giật khiến anh Huseyin Karaks hoảng hốt. Trong cơn mê man, chị lờ mờ thấy hình ảnh chồng một tay ôm vợ, một tay gõ cửa gọi người xung quanh giúp đỡ.
"Lúc đó tôi cảm thấy mình đã chọn đúng người", cô nói.
Giữa năm ngoái, chồng cũ của chị Chung gặp tai nạn phải cưa một chân, nằm viện. Họ đã không nói chuyện với nhau nhiều năm nhưng anh Huseyin là người động viên vợ "hết tình còn nghĩa". Những ngày đó, Chung ở nhà nấu ăn, anh xung phong mang cơm vào bệnh viện cho người chồng cũ của chị.
Hơn 5 năm chung sống nhưng ngôn ngữ vẫn là rào cản giữa họ. Huseyin Karaks không muốn vợ vất vả học tiếng Anh, anh ra nhà sách mua quyển tập dạy chữ Việt của trẻ mẫu giáo. Anh học những từ đơn giản, đánh vần, nói được vài từ căn bản.
Đầu tháng 10, Huseyin Karaks bàn với vợ mở xe nước mía trước cửa nhà để mình đứng bán. Anh cảm thấy thích món giải khát này, nguyên liệu rẻ, nhưng lý do lớn hơn là muốn trò chuyện với nhiều người Việt.
Hàng ngày, 5h sáng, Huseyin Karaks đã lục tục chuẩn bị mía, rửa máy, vắt nước tắc (quất), lấy đá để chuẩn bị bán hàng. Chị Chung chỉ hỗ trợ chồng pha trà, ngâm vải bán thêm vài món để phong phú thực đơn.
"Cuộc sống bình dị ở Việt Nam làm tôi thấy hạnh phúc", Huseyin Karaks nói.
Ngọc Ngân